Nhưng người bạn vẫn chẳng chịu tha: “Trước một sắc đẹp mê hồn, một báu vật của đời, một tinh hoa của trời đất, anh là người nghệ sĩ yêu cái đẹp, quý trọng cái đẹp mà lại có thái độ dửng dưng như vậy thì lạ thật!”. Ông vẫn giữ im lặng. Lát sau ông nói: “Với cái đẹp ta chỉ nên đứng xa mà chiêm ngưỡng thôi anh bạn ạ. Anh nhìn mặt trăng thấy đẹp đẽ, thơ mộng, huyền ảo tuyệt vời phải không? Từ mấy ngàn năm tới giờ biết bao bút mực của các nhà thơ hết lời ca tụng, còn giới họa sĩ thì vẽ cả triệu bức tranh. Nhưng thực chất thì sao?
Các phi hành gia Mỹ trước đây nửa thế kỷ bay lên mặt trăng đã cho chúng ta chứng kiến một hành tinh hoang vu, một hành tinh chết với những đất đá lởm chởm chẳng huyền ảo mộng mơ chút nào! Cái ảo bao giờ cũng đẹp và đẹp mãi, anh bạn ạ. Còn con người... Anh nghĩ lại coi, những đại nữ minh tinh, sắc đẹp muốn làm nổ tung màn ảnh, cả thế giới đàn ông chiêm ngưỡng tôn thờ.
Thế rồi bất ngờ một buổi xấu trời kia anh tình cờ thấy nàng bỏ bộ tóc, hai hàm răng và đôi lông mi giả ra thì trời ơi... Đó là chưa kể đến những việc bình thường (trần tục) hàng ngày phải làm của con người. Rồi tham sân si hỉ nộ ái ố. Thực tế phũ phàng lắm bạn ạ. Tưởng vậy mà không phải vậy đâu. Tốt hơn hết là chúng ta nên ở xa xa chiêm ngưỡng họ một cách mờ mờ nhân ảnh mà thôi. Đấy là chưa kể trong trái tim họ lúc nào cũng có một con rắn độc nằm cuộn tròn”. Tới đây họa sĩ ngừng nói. Ông bạn nghĩ thầm trong bụng “thằng cha này đúng là gàn bát sách. Thôi, có tài có tật, đời là vậy. Hắn điên, hắn khùng thây kệ hắn miễn hắn cống hiến cho đời những danh phẩm”.
Tới giờ giải lao, mọi người đổ ra hành lang chuyện trò. Tình cờ, ông và người bạn chạm trán người đẹp. Lần này ông có dịp quan sát nàng. Quả đúng như người bạn nhận xét, đây là một tuyệt thế giai nhân, từ trước tới giờ ông chưa bao giờ thấy. Nơi khuôn mặt nàng, ngoài cái đẹp quyến rũ cao sang, lại còn ẩn hiện nét thanh thoát kiêu kỳ của “con nhà”, thuộc giai tầng cao trong xã hội. Nàng cũng nhìn ông, nhưng chỉ nhìn lướt qua với cái nhìn dưới mắt, không chút quan tâm. Người bạn dạn dĩ tới sát bên nàng chào hỏi và tỏ ý hân hạnh làm quen. Rồi ông tự ý giới thiệu ông bạn họa sĩ lừng danh của mình với hy vọng nàng sẽ hân hoan tỏ lòng ngưỡng mộ và bắt chuyện. Nhưng nàng chỉ khẽ nghiêng mình gật đầu và lịch sự xin phép rời bước. Sự lãnh đạm thờ ơ lạnh lùng của người đẹp khiến ông chạm tự ái. Và cũng vì nàng đẹp quá nên ông tạm dẹp tự ái, tha thiết muốn được vẽ chân dung nàng. Ông muốn nhờ nàng ông sẽ trở thành bất tử như Leonado De Vinci. Vì tham vọng nên ông gác bỏ mối hận lòng với người tình xưa, vì nàng mà một thời gian dài ông không quan tâm tới những bông hoa quý báu của đời. Ông nói với người bạn: “Tôi hứa với ông trong một tháng nàng sẽ tới nhà tôi ngồi làm mẫu để tôi vẽ”. Người bạn cười ruồi: “Không dễ đâu anh bạn ơi. Tôi xem cô nàng có vẻ phách lối, kiêu kỳ, coi khinh đời lắm đấy. Chắc là con cháu thuộc gia đình ít ra cũng dăm mười đời trưởng giả quý tộc, cành vàng lá ngọc”. “Cá không? Một chầu du lịch trên biển nhé!” “Xong rồi!”
Quả đúng như lời người bạn, làm quen được với người đẹp và lại còn muốn nàng ngồi làm người mẫu có lẽ còn khó hơn trèo lên đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn. Ông cho người “điều tra” biết người đẹp đã ly dị chồng và có một con nhỏ. Gái một con có khác, đẹp mê hồn. Không người đàn ông nào thấy nàng mà không ngẩn ngơ ao ước. Nàng cũng sống một cuộc đời khép kín, ít người biết về nàng. Nhưng rồi sau nhiều ngày nhờ bạn bè “vận động” đủ mọi phương cách, nhất là (qua người bạn chuyển lời “tán” của ông) sẽ “biến” nàng, với nét vẽ tài hoa của ông, trở thành bất tử như cô nàng Mona Lisa của đại danh họa Leonado DeVinci.
Nàng sẽ sống mãi cùng thời gian và các thế hệ, các thời đại đều tôn thờ nàng như tôn thờ nữ thần sắc đẹp và tình yêu Aphrodite. Nàng mới đầu còn làm khó ra điều kiện, eo sách nọ kia mãi mới chịu tới nhà ngồi làm mẫu để ông vẽ chân dung. Hơn ba tháng trời bức tranh mới hoàn thành. Ông tế nhị, kín đáo trao tặng nàng một số tiền, nàng từ chối và lại có vẻ tự ái. Ông cho treo bức chân dung người đẹp ngay giữa căn phòng lớn. Ngày ra mắt bức tranh với bạn bè, ông tổ chức một bữa đại tiệc, tất nhiên nàng là khách danh dự số một. Hầu như tất cả mọi người đều nức nở khen bức tranh tuyệt vời, diễn tả được hết vẻ đẹp cao quý của người mẫu mà họ tán...tụng là đệ nhất giai nhân, thiên hương quốc sắc. Nhà họa sĩ tay
cầm ly rượu đỏ lần lượt đi quanh phòng chạm cốc với tất cả mọi người, nét mặt không tỏ lộ sự vui hay buồn trước những lời ca ngợi.
Một người bạn giầu có đòi mua bức tranh với bất cứ giá nào nhưng ông từ chối. Ông nói, khi qua đời ông sẽ hiến tặng bảo tàng viện quốc gia.
Ít ngày sau (chắc là được voi vòi tiên) ông ngỏ ý muốn vẽ nàng một bức tranh “nuy”. Nàng quyết liệt từ chối, mặc dầu ông cam kết không hề có ý định xấu, lúc nào cũng quý mến tôn trọng nàng. Bị từ chối, ông buồn và thêm tự ái nhưng càng thán phục trân quý người đẹp hơn. Theo ông, nàng đúng là một thiên thần giữa cuộc đời trần tục này. Từ sự ngưỡng mộ sắc đẹp tới tâm hồn trong sáng kiêu kỳ, coi thường vật chất, ông họa sĩ bắt đầu nghe lòng mình bâng khuâng, một cái gì như tình yêu đang len lén bước nhẹ vào hồn. Nhưng ông cương quyết gạt sang bên. Ông rất tâm đắc khi đọc một câu của nhà văn nào đó: tình yêu chỉ đẹp khi mới chớm nở. Hơn nữa mối hận tình xưa thỉnh thoảng vẫn còn nhoi nhói trong ông, mặc dầu ông cố tình xua đuổi.
Và để lòng mình thanh thản như những năm tháng qua, ông ngày ngày lại vác “đồ nghề” đi vẽ phong cảnh khắp các nơi. Nghe nói bên Úc châu có một hang động đẹp thuộc loại nhất thế giới. Ông đáp máy bay sang đó ngoạn cảnh và vẽ. Sau hơn tháng hoàn thành bức tranh ông trở về nước. Buổi tối vừa cơm nước xong, tay cầm ly cà phê, ông đứng giữa phòng ngắm bức chân dung người đẹp. Lạ lùng làm sao, càng ngắm ông càng thấy đẹp và ông thực sự say sưa mê mẩn - nếu không nói là yêu - nàng trong tranh. Tinh khiết, thánh thiện, dường như tất cả tinh hoa đất trời kết tụ nơi nàng qua bức vẽ. Có lẽ đây là tác phẩm đẹp nhất, lớn nhất, vĩ đại nhất trong đời ông. Đương thả hồn chơi vơi nơi bức tranh thì chuông điện thoại reo. Đầu giây nói bên kia là tiếng người đẹp làm mẫu bức tranh vẽ:
“Anh đi xa về có mệt không? Em muốn tới gặp anh ngay bây giờ được chứ?”.
Ông ngạc nhiên:
“Có chuyện gì vậy?”.
“Đến em sẽ nói”
Nửa giờ sau nàng lái xe tới và vẫn mặc bộ áo váy mầu hoàng kim. Trông nàng cực kỳ lộng lẫy rực rỡ sang trọng, chẳng khác gì nàng tiên giáng trần. Vừa ngồi xuống ghế nàng nói ngay, không chút ngại ngùng:
"Em muốn tối nay ở lại với anh".
Ông sửng sốt trố mắt nhìn nàng, không tin ở tai mình. Nàng thản nhiên gật đầu, nói rõ ràng từng tiếng:
"Vâng, đêm nay em muốn ở lại với anh. Anh không bằng lòng sao? Và mai mốt em sẵn sàng để anh vẽ "nuy".
Từ sửng sốt ông đi tới kinh ngạc. Sau một vài phút suy nghĩ, ông ngập ngừng và nhẹ nhàng nói:
"Có lẽ cô muốn nhờ tôi giúp việc gì?". Nàng khẽ nhếch môi cười mà không phải cười, nói: "Thưa vâng, em cần gấp một số tiền khá lớn, em nghĩ anh có thể sẵn lòng giúp em. Em xin nói thẳng nhé: để khỏi nợ nần nhau, chúng ta trao đổi...".
Ông lặng người đi, mặt biến sắc từ đỏ sang tím. Như có gì vừa sụp đổ trong ông. Ông thực sự khó chịu khi nghe câu nói có vẻ “trần tục, trắng trợn” phát ra từ cái miệng xinh đẹp duyên dáng kia. Đến dăm bẩy phút sau ông mới cất tiếng hỏi số tiền nàng cần và lẳng lặng đứng lên đi vào phòng trong đem ra một tấm check, ghi tên nàng, số tiền và ký. Ông nói chậm rãi như cố giữ bình thản:
“Tôi gửi cô tấm check này và xin lỗi nhé, tôi muốn cô ra về ngay”.
Người đẹp trố mắt nhìn ông trong khi vẫn bỏ tấm check vào “bóp”.
“Anh coi thường em đến thế sao?”
Ông xua tay, dọng nói hơi lạc đi, không bình thường:
“Không, không... Tôi muốn cô rời khỏi nhà này ngay. Cô đi đi”.
Mấy ngày sau một số bạn bè tới nhà thăm ông họa sĩ đồng thời muốn chiêm ngưỡng lần nữa bức tranh giai nhân tuyệt thế. Nhấn chuông mãi không thấy chủ nhà ra mở cổng, cho rằng họa sĩ đi vắng họ đành ra về. Hôm sau họ lại rủ nhau tới và vẫn vậy. Sinh nghi họ vượt cổng vào và phải vất vả lắm mới nạy được cửa nhà. Một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt họ. Nhà họa sĩ tài danh bận bộ đồ lớn chỉnh tề cổ áo thắt ca vát mầu hồng, nằm sóng soài
giữa căn phòng lớn. Thân mình ông nằm sấp đè lên bức tranh và hai tay giang ra như muốn ôm chân dung người đẹp vào lòng. Một người bạn tới bên đặt tay lên trán nhà họa sĩ thấy lạnh ngắt, kêu ầm lên: “Thôi rồi các bạn ơi, hạc vàng đã về trời!”
Ông lặng người đi, mặt biến sắc từ đỏ sang tím. Như có gì vừa sụp đổ trong ông. Ông thực sự khó chịu khi nghe câu nói có vẻ “trần tục, trắng trợn” phát ra từ cái miệng xinh đẹp duyên dáng kia. Đến dăm bẩy phút sau ông mới cất tiếng hỏi số tiền nàng cần và lẳng lặng đứng lên đi vào phòng trong đem ra một tấm check, ghi tên nàng, số tiền và ký. Ông nói chậm rãi như cố giữ bình thản:
“Tôi gửi cô tấm check này và xin lỗi nhé, tôi muốn cô ra về ngay”.
Người đẹp trố mắt nhìn ông trong khi vẫn bỏ tấm check vào “bóp”.
"Anh coi thường em đến thế sao?"
Ông xua tay, dọng nói hơi lạc đi, không bình thường:
"Không, không... Tôi muốn cô rời khỏi nhà này ngay. Cô đi đi".
Mấy ngày sau một số bạn bè tới nhà thăm ông họa sĩ đồng thời muốn chiêm ngưỡng lần nữa bức tranh giai nhân tuyệt thế. Nhấn chuông mãi không thấy chủ nhà ra mở cổng, cho rằng họa sĩ đi vắng họ đành ra về. Hôm sau họ lại rủ nhau tới và vẫn vậy. Sinh nghi họ vượt cổng vào và phải vất vả lắm mới nạy được cửa nhà. Một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt họ. Nhà họa sĩ tài danh bận bộ đồ lớn chỉnh tề cổ áo thắt ca vát mầu hồng, nằm sóng soài giữa căn phòng lớn. Thân mình ông nằm sấp đè lên bức tranh và hai tay giang ra như muốn ôm chân dung người đẹp vào lòng. Một người bạn tới bên đặt tay lên trán nhà họa sĩ thấy lạnh ngắt, kêu ầm lên: "Thôi rồi các bạn ơi, hạc vàng đã về trời!"
THANH THƯƠNG HOÀNG